Wednesday, July 26, 2006

Những bài văn... dễ sợ!




Giáo viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chấm thi môn văn. Có rất nhiều bài văn của TS cười ra nước mắt - Ảnh: Như Hùng

TT - Một lần nữa những áng văn của các cô tú, cậu tú lại khiến nhiều người sửng sốt vì lỗi chính tả, suy diễn, hổng kiến thức và cả "viết mà không biết viết gì"... Điều đó ít nhiều phản ánh thực trạng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay với những bài văn thật... dễ sợ và vì sức “sáng tạo” của những cô tú, cậu tú đáng quan ngại vô cùng...

Kỳ thi tuyển sinh ĐH 2006 đã vào giai đoạn cuối của quá trình chấm thi và tình trạng thí sinh (TS) viết văn như nói, viết sai chính tả vẫn phổ biến. Thậm chí bài làm của một bộ phận khá lớn TS còn bi thảm hơn nhiều.

Nhà văn mê... phụ nữ (!)

Thật không thể liệt kê hết các lỗi chính tả mà TS mắc phải trong bài làm. Thầy Nguyễn Mạnh Hiếu, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trong số gần 1.000 bài thi mà thầy đã chấm (ở một hội đồng khác) có hơn 2/3 bài làm chữ viết tệ hơn cả HS tiểu học, phần đông sai chính tả đến không thể chấp nhận.

Thầy Hiếu tỏ ra bức xúc: “Những cô cậu này mà cũng lấy được bằng tú tài thì thật khó hiểu. Không biết giáo viên văn phổ thông chấm như thế nào mà số này qua khỏi bậc phổ thông?”.

Trong lần chấm chung (cả tổ) môn văn, một giảng viên khoa ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm phải vất vả lắm mới đọc được nội dung, nhưng tìm mỏi mắt vẫn không thấy một dấu câu nào trong bài làm dài bốn trang của một TS dự thi khối D.

Chính tả viết không đúng thì việc dùng từ sai, viết câu “què”, câu sai cấu trúc là lẽ thường. Một bài làm văn có khi sai đến gần 100 lỗi dạng này. Tôi rợn mình khi đọc những từ mà TS dùng để viết trong bài: Mị có sắc đẹp hết sức khêu gợi; nhiều nhà thơ nhà văn mê phụ nữ, Tô Hoài cũng giống họ, cũng mê Mị... (?!).

Trong khi đó, chuyện lấy râu ông này cắm cằm bà kia cũng không hiếm. Cô Mị xinh đẹp như thế mà TS lại nhẫn tâm bảo rằng: Mị về làm vợ cho nhà bá hộ, vất vả như con bò tót nên Mị trở thành một thứ quái vật, người không ra người, ngợm không ra ngợm... (chuyển sang hình dáng bên ngoài của Chí Phèo, sau khi ra tù).

Có một TS tỏ ra rất bất bình khi dẫn ra hoàn cảnh của A Phủ: Vì bất bình trước việc dụ dỗ con gái nhà lành, A Phủ đánh Bá Kiến, bị Lí Cường bắt về gạt nợ, trói đứng không cho đi chơi mùa xuân. Bọn chúng thật là dã man. Em đọc đến đây thì bất bình lắm, thương cho A Phủ và hận cha con nhà Bá Kiến.

TS khác thì có óc “khái quát” cao hơn khi phân tích chi tiết Mị và A Phủ bị trói: Thấy chồng mình bị trói, Mị cảm thấy ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa... (đã qua đến Hịch tướng sĩ). Còn A Phủ thì sao? A Phủ thấy vợ mình (tức Mị) bị bọn nó hành hạ thì liền xách dao chạy thẳng đến nhà Bá Kiến, đâm chết Bá Kiến rồi tự sát cho chết luôn! (chi tiết này nói về Chí Phèo).


Lỗi phổ biến nhất vẫn là sai về kiến thức. Các TS không ngần ngại khi cho rằng: nhà văn Tô Hoài là gương mặt quen thuộc của phong trào Thơ mới; “Tiếng hát con tàu” là bài thơ viết về chuyến tàu ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc hoặc ca ngợi những người thủy thủ anh dũng sẵn sàng lái tàu vượt đại dương đưa con người ra khơi đánh cá; Chế Lan Viên thật giỏi khi tự mình lái chiếc tàu vào Tây Bắc chở bộ đội đi đánh giặc giải phóng quê hương cách mạng; bố của Mị vay tiền nặng lãi để cưới vợ giàu sang mà không lo làm ăn nên mắc nợ, Mị phải đi chăn ngựa để trả; A Phủ đi chăn trâu để ăn lúa nhà bá hộ nên bị bắt trói vào vũng lầy đầy đỉa (Ôi!).

Cũng có nhiều đoạn văn của TS đọc mãi mà tôi chẳng hiểu viết gì. Đơn cử đôi dòng trong số ấy để bạn đọc suy nghĩ hộ: Xuân Diệu sinh ra sau ngày giải phóng, chứng kiến nhiều cảnh trái tai nên không chịu được. Một hôm Xuân Quỳnh sáng tác bài thơ một từ sóng. Đó là sự giải thoát phụ nữ của ông.

Còn cuộc tình của Mị được một TS kể lại như một câu chuyện thời hiện đại: Mị đẹp hơn ai hết nên rất nhiều bồ. Một hôm trời đẹp ơi là đẹp, Mị được một cậu ấm họ Lí tên là Phá Sa con ông tá điền giàu có đeo được chiếc nhẫn kim cương vào tai và cuối cùng Mị đành vui vẻ nhận và theo về nhà làm vợ luôn. Từ đó Mị sống khổ lắm như là con ngựa nuôi trong xóa bếp không ai thèm dòm tới nữa Mị đã tàn đời...

TS khác thì thể hiện quyết tâm: Sóng nghĩa là tình yêu. Em đang bước vào yêu nhưng em sẽ yêu lãng mạng khi em đã hoàn thành ước nguyện bước vào ngưỡng cửa trường đại học, sẽ yêu và giữ lòng chung thủy như sóng dù em còn gặp nhiều chông gai trong yêu đương lắm lắm...

“Em đâu có muốn...”

Các vấn đề thời sự nóng bỏng cũng được các sĩ tử đưa vào bài làm. Có lẽ nhà văn Nguyên Ngọc sẽ rất ngạc nhiên nếu ông đọc được những dòng này: Hiện nay, nạn chặt phá rừng tràn lan trên khắp mọi miền của đất nước. Trước tai nạn đó, Nguyễn Trung Thành viết Rừng xà nu để cảnh báo mọi người, kêu gọi đừng chặt phá rừng nữa. Tôi tin chắc rằng chính tác giả cũng không thể nghĩ ra tác phẩm của mình mang “tính thời sự” như thế.

Có lẽ bức xúc trước việc mua vé tàu lửa khó khăn, TS đã viết về hình ảnh con tàu trong bài Tiếng hát con tàu: Chế Lan Viên muốn ngày càng có nhiều đoàn tàu chạy từ miền Nam ra miền Bắc để phục vụ hành khách, không còn xảy ra tình trạng chen lấn khi mua vé, lên tàu như hiện nay... Ông đã mơ ước thay cho nhiều người...

Khủng khiếp hơn, có bài làm từ đầu đến cuối, sáu lần TS quả quyết Xuân Quỳnh là “ông”, còn bảo rằng “... sau Nguyễn Du, Xuân Quỳnh là nhà thơ nam hiểu rõ về phụ nữ khi viết bài thơ Sóng...”.

Có đến hàng mấy chục TS gọi Xuân Diệu là bà, cô, chị, trong khi chương trình THPT phần Xuân Diệu HS được học nhiều tiết nhất trong số các nhà thơ (một bài khái quát tác giả, ba bài thơ tiêu biểu).

Không những thay đổi giới tính nhà thơ, các TS còn tỏ ra “thông minh” khi tự “sáng chế” thơ và không ngần ngại gắn tên tác giả. Chẳng hạn mấy câu sau đây được TS đề tên tác giả là Xuân Diệu hết sức éo le như thế này: Làm sao định nghĩa được chữ “mi”. Có khó gì đâu mà hỏi kỳ. Hai đứa gần nhau rồi sát lại. Môi kề, mắt nhắm, thế là “mi”.

Không ít bài thi bỏ giấy trắng. Cũng có nhiều bài nói nhăng nói cuội cho có chữ chứ không ra nghĩa. Một số khác xem bài thi là “diễn đàn” để bày tỏ suy nghĩ, trút cạn tâm sự của mình. Một TS thật tình rằng: “Cô ơi! Cô đừng chấm bài này, vì em đâu có biết gì mà thi, mẹ và chị em ép em nên em mới đi thi thôi chứ em đâu có muốn”.

Không biết các bậc cha mẹ sẽ nghĩ gì khi đọc những dòng này? Có lẽ vì không học gì nên một TS đã ngâm ngợi mấy vần thơ trong bài làm: “Làm sao định nghĩa được trường thi? Cắn bút mà đâu biết viết gì. Đem phao nhét túi mà trật hết. Lần này chấm rớt chắc đi tu”.

Có em năn nỉ thấy mà tội nghiệp: “Thầy cô chấm nương tay cho em nhờ, lần này rớt chắc là đi hoang luôn, ba em hăm dọa như vậy đấy!”. Một TS than thở: “Học 12 năm, thi ba năm rồi mà vẫn không đậu. Bữa nay cầm đề thi mà rụng rời tay chân, trật tủ nữa rồi thầy ơi, chắc rớt quá...”.

Văn chương thế này mà không rớt mới lạ!

NGUYỄN VĂN CẢI
(giám khảo môn văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Theo Tuổi Trẻ

Wednesday, July 12, 2006

Ôi tình yêu

Lê Dũng


Nàng là mối tình đầu của tôi. Ðó là mối tình đẹp như bao mối tình đầu khác. Những ngày ấy tôi như sống trên mây, ngất ngây với men say tình ái. Nàng đẹp: đôi mắt đen láy, sống mũi thẳng, cao và đặc biệt tôi mê tít lúm đồng tiền đậu trên má trái của nàng, nó đẹp như một rớt nắng vương chiều cuối thu vậy. Nhà nàng ở cuối một ngõ nhỏ, đầu ngõ có một cây bàng già, giữa ngõ có một ghế đá. Và cổng nhà nàng có một giàn hồng leo. Những bông hoa hồng leo phớt hồng đẹp như tình yêu cùa chúng tôi.


Như bao mối tình đầu khác, chúng tôi chia tay nhau chẳng vì một lý do gì rõ ràng. Lúc đó tôi thấy khổ sở lắm, cứ như có ai đốt lửa trong lòng vậy. Tôi tin rằng chỉ có nàng, tình yêu đầu đời trong trẻo mới đủ khả năng làm tôi buồn đến thế (tôi không nghĩ thế sau khi chia tay cô bạn gái thứ hai). Thời gian dần qua đi. Những hình ảnh ngọt ngào về mối tình đầu tạm ngủ yên trong ký ức.


Có một dạo, vô tình tôi đi qua ngõ nhà nàng. Lúc đó là chớm đông. Những chiếc lá bàng xù xì, đỏ ối chìa tay vẫy gọi. Bao kỷ niệm ùa về. Tôi gặp nàng, hy vọng chắp lại tình xưa. ‘Muộn rồi anh’- nhẹ nhàng nàng nói...


Lại có một lần vô tình tôi đi qua ngõ nhà nàng. Cây bàng già đã bị chặt xuống. Tôi thoáng buồn. Hình ảnh nàng thoáng hiện lên trong tôi. Nhưng lạ chưa: tôi không thể nhớ được đôi mắt đen láy của nàng.


Lại thêm một lần tôi vô tình đi qua ngõ nhà nàng. Cây bàng đã không còn, tất nhiên là vậy. Nhưng tôi thảng thốt hơn là cái ghế đá cũng bị người ta lôi đi đâu mất. Lòng tôi mơ hồ một nỗi sợ. Những gì níu kéo tôi lại với nàng đang dần biến mất. Hình ảnh nàng trong tôi lại mờ đi một chút, tôi đã bắt đầu quên chiếc mũi thẳng và cao của nàng.


Thêm một lần tôi đi qua ngõ nhà nàng. Cây bàng không còn nữa, hẳn rồi. Cái ghế đá cũng không còn nữa, tất nhiên là thế. Nhưng kinh hoàng hơn là giàn hồng leo trước cổng nhà nàng biến mất. Tôi sững sờ chết lặng, tôi đã không còn nhớ được cái lúm đồng tiền đậu trên má trái nàng nữa. Cái lúm đồng tiền như một rớt nắng cuối thu...


Lần cuối cùng tôi vô tình đi qua ngõ nhà nàng. Cây bàng, ghế đá và giàn hồng leo không còn nữa. Lần này thì cố gắng mấy tôi cũng không sao nhớ được một nét nào về dung mạo của nàng.


Tôi đã yêu đương, hờn giận, hoài niệm và quên lãng…

Kiếp luân hồi

Nguyễn Thị Thu Hà


Ngày ấy, cách đây đã một kiếp người, có đôi uyên ương yêu nhau đắm say. Tình yêu của họ rất lãng mạn, họ xăm hình trái tim và tên người yêu lên chân trái, thề rằng sẽ trọn kiếp bên nhau tới đầu bạc răng long


Nhưng ngay khi bắt đầu tuần trăng mật, con tàu chở họ bị đắm. Giữa sự sống và cái chết, họ ôm nhau mà khóc, hẹn kiếp sau gặp lại. Họ bàn nhau xin Diêm Vương giữ lại kí ức và hình xăm để nhận ra nhau, hẹn 18 năm sau, tại gốc cây đầu tiên hẹn hò, xoay một vòng rồi giơ chân trái có hình xăm. Rồi họ chìm dần, chìm dần. Xuống tới Âm phủ, họ quyến luyến nhau mãi không rời. Diêm Vương xúc động cho họ đầu thai mà vẫn giữ được kí ức và hình xăm..


..18 năm sau, Nàng đã là một thiếu nữ xinh đẹp. Vẫn giữ mối tình đẹp, Nàng thầm mong đến ngày gặp lại. Cuối cùng thì ngày đó cũng đã đến, nàng diện bộ cánh đẹp nhất, trang điểm thật kĩ, đi tới chỗ hẹn. Trong lòng trào lên nỗi cảm xúc khó phai mờ. Nhưng nàng vẫn không khỏi phẩp phỏng, lo âu, liệu chàng có nhớ mối tình xưa không?
Ðến bên gốc cây năm xưa, vẫn con đường đầy lá, vẫn hàng ghế bên lề, Nàng ngồi xuống chờ đợi. 18 năm qua nhanh, nhưng bây giờ Nàng lại không thể đợi thêm dù chỉ 1 phút, chẳng nhẽ Chàng không tới..


Bỗng từ xa thấp thoáng bóng người con trai đang bước lại gần. Khuôn mặt phảng phất nét gì đó rất thân quen. “Vậy là chàng đã không quên" – Nàng thầm nghĩ. Gần tới nơi, chàng bỗng đứng lại và quay 1 vòng. Thôi đúng là chàng, Nàng bật dậy chạy nhanh tới bên chàng. Bỗng từ bụi rậm, 1 con gián to khủng khiếp bay thẳng tới chỗ Nàng với vận tốc kinh hồn. Nàng hoảng sợ nhảy dựng lên, khua tay hất con gián xuống đất, giẫm lia lịa cho nó không còn đường sống


Chàng trai nhìn Nàng với con mắt dò xét, cúi xuống .. nhặt tờ tiền rơi dưới đất và bỏ đi. Hoá ra chàng xoay 1 vòng xem có ai để ý đến mình không.


Nàng thất vọng quay lại ghế đá, con phố vắng tanh, Nàng cúi đầu bật khóc. Rồi Nàng để ý con gián lúc nãy chưa chết. Trong lúc hấp hối nó vẫn đập cánh phè phè và xác của nó xoay 1 vòng, nó giơ cái chân lên giật giật. Nàng chợt nhận ra, cái chân có 1 vệt màu xanh. Ðó chính là hình xăm ngày nào, 1 con gián sống tới 18 năm mới có thể to đến thế. Nàng chỉ biết bần thần nhìn xác con gián hay người yêu Nàng. Mối tình đời đời kiếp kiếp kết thúc chóng vánh.

Thursday, July 06, 2006

HỌP LỚP 12A3

Họp lớp đã qua mấy ngày rồi mà giờ mới viết. Kệ, trễ còn hơn là ko có ghi lại gì cả. Đâu phải lúc nào cũng có thể gặp nhau đâu, nên mỗi lần gặp thế này phải note lại một tí chứ, mọi người nhỉ?

Kể ra lần nào họp cũng vui thiệt, tiếc cái lần này là hổng có nhậu nhẹt gì hết, nên tụi nó hổng có .. quậy tưng như dịp tết. Nhưng thôi, vầy là quí hóa lắm rồi, nhễ.

Chẹp, nghĩ tới cảnh con Trang nó ăn kem mà phát khiếp. Nó làm gì mà chèm nhẹp, eo ơi, nhìn ghê gì đâu, nó nói vậy ăn mới ngon, bó tay. Chừng nữa nó mà có chồng, đảm bảo chồng nó hông bao giờ dám dẫn nó đi ăn kem. (Mà nhiều khi ăn vậy nên giờ cũng chưa có người yêu, hehehe)

Lớp trưởng Thảo thì có người yêu rồi, nên nhìn hiền ra phết. Mà anh Thuận của nó còn hiền hơn, cứ ngồi lù lù, cười cười, hổng nói gì hết. Được cái là tàn tiệc là móc tiền ra xỉa làm anh em khoái chết đi được, hehe.

Lần này thiếu hết mấy đứa: A Toàn, Ngọc Dũng, Thúy, Lam, Xuân với mấy đứa ở dưới quê. Nhưng gom lại đầy đủ thì cũng khó thiệt. Đứa nào cũng có chuyện bận mà. Chịu.

Tính ra bọn con gái lớp mình cũng lớn tuổi rồi, mà chẳng chịu "cống chò". Bộ tụi nó tính đợi tụi con trai 12A3 cua hay sao ấy. Nói nhỏ nha, đừng chờ mấy thằng này làm gì, tụi nó khoái ăn nhậu hơn là lo cho mày bà nhiều, hehe.

Giỡn vậy thôi chứ gặp lại tụi bạn vui ra phết. Đứa nào cũng nói xàm bà cố. Đứa ko nói thì nghe tụi nó nói cũng hiểu hết rồi (nhìn đứa nào cũng cười mỉm chi là biết, chỉ có con Chi là nó cười bự, vì nó cáo già mà :D). Đúng là ai cũng lớn hết rồi.

Hôm nào gom lại đi chơi 1 chuyến là đã nhất. Mấy người thấy thế nào?

SÀI GÒN 02/07/2006