Tuesday, May 15, 2007

Gắn chip lên hàng hóa và mối lo về quyền cá nhân

Các nhà chế tạo Mỹ vừa cho ra đời một loại chip thu phát sóng radio cực nhỏ có khả năng theo dõi một sản phẩm trong suốt quá trình sử dụng. Công nghệ mang tên RFID này là tin đáng mừng cho các công ty bán lẻ, nhưng cũng đem lại nguy cơ xâm phạm sự riêng tư của công dân.

Thiết bị chỉ to bằng đầu đinh có gắn ăngten này có thể đính lên bất cứ mặt hàng nào, từ vỏ hộp đồ uống, đế giày, quần bò cho đến trục ôtô, và người ta chỉ việc dùng máy tính để quản lý các sản phẩm từ xa. RFID có thể thay thế kỹ thuật mã vạch hiện nay, vì nó không chỉ có khả năng xác định nguồn gốc sản phẩm mà còn cho phép nhà cung cấp và đại lý bán lẻ biết chính xác những mặt hàng trên quầy và trong kho của họ. Các công ty bách hóa sẽ không còn phải lo kiểm kho, không sợ giao nhầm hàng và thống kê số đầu sản phẩm đang kinh doanh của cả tổ hợp cửa hàng. Hơn nữa họ còn có thể biết chính xác bên trong túi khách hàng vào, ra có những gì.

Chip RFID hiện được sử dụng tại Bộ Quốc phòng Mỹ và những công ty bách hóa lớn nhất thế giới như Wal-Mart, Metro AG, Carrefour, Tesco và Ahold. Hãng sản xuất dao cạo râu hàng đầu thế giới Gillette đã đặt hàng mua 500 triệu thiết bị theo dõi này. Công ty khảo sát thị trường ABI dự báo doanh số bán RFID trên thị trường toàn cầu có thể sẽ đạt hơn 3,1 tỷ USD vào năm 2008.

Tuy nhiên, trong khi nhiều công ty đang tích cực triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ này vào sản xuất kinh doanh thì làn sóng phản đối cũng rộ lên từ các tổ chức bảo vệ quyền cá nhân.

Theo Katherine Albrecht, phát ngôn viên của Hội người tiêu dùng chống xâm phạm quyền cá nhân tại Mỹ, việc sử dụng RFDI có thể sẽ đưa thông tin cá nhân của người tiêu dùng lên cơ sở dữ liệu trên mạng, vốn thường xuyên là mục tiêu tấn công của tin tặc hoặc được nhà nước sử dụng vào chương trình theo dõi chống khủng bố hiện vẫn gây nhiều tranh cãi. Albrecht nói: “ Bất cứ ai có thể truy cập vào một hệ thống quản lý RFID đều có thể biết trong túi khách đi mua hàng có gì, hoặc thậm chí họ đang mặc đồ lót loại gì”.

Trước phản ứng gay gắt của các tổ chức xã hội, một số công ty tỏ ra lưỡng lự khi quyết định áp dụng RFID. Hãng sản xuất quần áo may sẵn khổng lồ Benetton (Italy) đang phải đối mặt với chiến dịch tẩy chay do các nhóm bảo vệ quyền cá nhân kêu gọi. Những tổ chức này kiên quyết phản đối việc gắn chip vào hơn 100 triệu mặt hàng may mặc mang nhãn hiệu Benetton đang được cung cấp trên thị trường thế giới. Hiện công ty này vẫn tiếp tục nghiên cứu ứng dụng mới nhưng chưa dám đưa ra quyết định cuối cùng.

Jason Catlett, Chủ tịch một hội quyền cá nhân có tên Junkbusters, cho rằng cần có luật quy định các công ty bách hóa phải chấm dứt hoạt động của RFID trên sản phẩm sau khi khách hàng đã trả tiền và ra khỏi cửa hàng. Catlett cho biết, đến nay, các hãng tiếp thị cũng rất ủng hộ việc khai thác thiết bị theo dõi này để phục vụ cho công việc điều tra thăm dò thị trường. Nhiều năm qua, ngay cả FBI cũng phải mua thông tin của những công ty này qua các kênh tương tự.

Phan Khương (theo AFP)

No comments: