Được xem là nhân tố chính cho thế giới nhận dạng, RFID hiện được chính phủ Nhật Bản quảng bá mạnh mẽ trong thương mại. Để cập nhật thông tin về công nghệ này, Bộ Thương mại VN vừa tổ chức hội thảo tại Hà Nội với sự góp mặt của các chuyên gia đến từ xứ hoa anh đào.
RFID (Radio Frequency Identification) là công nghệ nhận dạng không tiếp xúc, sử dụng tần số radio. Đặc điểm của thẻ RFID (IC Tags) là có thể thu tín hiệu ở khoảng cách xa và người kiểm soát nhận ra số lượng lớn các thẻ một lần. Nó có tính bền vững cao, chịu được môi trường khắc nghiệt, không phát quang, không nhìn thấy, đồng thời có thể đọc và ghi được.
RFID triển khai được trong nhiều ngành công nghiệp và lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, ông Fujita Masakazu, Giám đốc nghiên cứu Hội đồng xúc tiến thương mại điện tử Nhật Bản, cho rằng những lĩnh vực cần phổ biến thẻ nhận dạng RFID hiện vẫn "đóng cửa" vì loại thẻ này mới chỉ được khuyến khích sử dụng trong nội bộ của doanh nghiệp. Mặt khác, IC Tags chưa được đưa rộng rãi vào thực tế nơi các giao dịch được thực hiện với thẻ nhận dạng RFID dùng một lần thông qua hệ thống cung cấp.
Theo ông Fujita, thẻ nhận dạng RFID sẽ tăng cường và củng cố tính cạnh tranh trong các ngành. "Sử dụng các IC Tags giúp nâng cao hiệu quả và đem đến nhiều dịch vụ hơn để tăng cường tính cạnh tranh trên trường quốc tế của người sử dụng trong kinh doanh, công nghiệp. Vì vậy, điều quan trọng là quảng bá việc sử dụng thẻ nhận dạng RFID giữa các doanh nghiệp", ông nói.
Người Nhật đã vạch ra chiến lược quảng bá cho RFID với hai chính sách rõ ràng là chuẩn hóa và giảm giá thành. "Đối với một quốc gia thương mại như đất nước chúng tôi, điều quan trọng là chuẩn hóa quốc tế. Vì thế, tiêu chuẩn liên quan đến thẻ nhận dạng phải được quốc tế hóa và phù hợp với cơ cấu kinh tế mở của Nhật Bản", ông Fujita phân tích. "Chúng tôi đã kiến nghị tổ chức ISO hợp nhất một chuẩn của mã sản phẩm cho thẻ RFID. Tiêu chuẩn ISO đề xuất theo dự kiến sẽ được thiết lập vào mùa xuân năm sau".
Bên cạnh đó, giá một chiếc thẻ nhận dạng ở Nhật hiện khoảng 10-100 yen (tức là từ 1.500 đến 15.000 đồng), giá các thiết bị đọc và ghi RFID còn cao hơn rất nhiều. "Đa số mọi người sẵn sàng sử dụng thẻ nhận dạng nếu giá bán là 5 yen. Vì thế mà một trong những mục tiêu giảm giá của chúng tôi là thẻ RFID phải xuống được mức 5 yen/thẻ", ông Fujita nói.
Theo vị lãnh đạo này, để mở rộng và quảng bá thẻ RFID còn cần những hoạt động như triển khai và tạo các điều kiện, môi trường cho việc sử dụng giải tần UHF, thiết lập quy định liên quan đến mục đích riêng của RFID. Vì thế cần xúc tiến dự án thí điểm trong các ngành hay trong các ứng dụng.
Ông cũng khẳng định việc xúc tiến RFID có thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp. "Thẻ RFID chưa phải là giải pháp hoàn hảo. Nhưng nếu các doanh nghiệp nhạy bén với công nghệ và tìm ra những phương pháp ứng dụng IC Tags phù hợp với công việc kinh doanh thực tế của mình thì nó sẽ mang lại lợi ích lớn", Giám đốc nghiên cứu Hội đồng xúc tiến thương mại điện tử Nhật Bản, khẳng định.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại, một trường học của Nhật Bản còn quyết định gắn thẻ RFID cho học sinh tiểu học và coi đó là biện pháp hữu hiệu nhất để giám sát chúng, giúp ngăn ngừa hiện tượng trẻ lạc đường và bỏ học. Trong khi đó, hàng trăm công ty của Mỹ sẽ buộc phải triển khai áp dụng công nghệ RFID vào những năm tới. Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia đã bắt đầu bàn về tiềm năng của RFID trong công việc kinh doanh của họ. Cụ thể là cơ quan nghiên cứu thông tin hàng hóa (IDA) của Singapore đã lên kế hoạch cho dự án trị giá 5,9 triệu USD để xây dựng 5 cụm dây chuyền cung ứng áp dụng RFID vào năm 2006. Chính quyền Đài Loan thì xúc tiến phát triển một ngành công nghiệp RFID toàn diện, từ cấp độ cao như sản xuất chip RFID cho đến các thiết bị cấp vừa như đầu đọc thẻ và cuối cùng là tích hợp hệ thống.
Hàn Quốc nhắc đến RFID như là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao sức mạnh của cuộc bùng nổ trong ngành điện thoại di động và băng thông rộng tại đất nước này. Bộ Thông tin và truyền thông cũng như Viện nghiên cứu viễn thông và điện tử của nước này đã cùng phối hợp để phát triển các công nghệ dải sóng RFID - UHF. Dự án này được chính phủ hỗ trợ 7 tỷ won, còn các công ty tư nhân đầu tư 5,09 tỷ won. Tại Malaysia, mặc dù chính phủ không có kế hoạch đặc biệt trợ giúp các ngành công nghiệp ứng dụng RFID, nó cũng đã được áp dụng trong các dự án lớn của nước này. Malaysia đã kết hợp vi mạch RFID trong các thẻ căn cước và hộ chiếu điện tử của công dân.
Ở Việt Nam, RFID ít được biết đến, song cũng đã có đơn vị nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới này. Hiện tại, Trung tâm công nghệ cao, thuộc Viện điện tử - tin học - tự động hóa, đang nghiên cứu thiết kế và xây dựng hệ phần mềm cho các hệ thống quản lý tự động bằng thẻ RFID để ứng dụng trong hệ thống thu phí cầu đường. Ngay tại Trung tâm cũng đã ứng dụng công nghệ này với hệ thống phần mềm quản lý ra vào cửa của cán bộ công nhân viên.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm, không bình luận gì về khả năng ứng dụng và phát triển của RFID tại Việt Nam. "Tôi cho rằng đối với những vướng mắc về mặt kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo và nghiên cứu được. Song, những gì liên quan đến chính sách thì chính chúng tôi khi làm việc cũng không biết hỏi đâu. Chính phủ Nhật đã có những định hướng rất rõ ràng về RFID, nhưng ở Việt Nam thì không có bất kỳ đầu mối nào hướng dẫn về vấn đề này nên rất khó nói trước điều gì", ông Tuấn nói.
Ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử Bộ Thương mại, cũng chia sẻ với VnExpress: "Đúng là công nghệ RFID còn mới mẻ ở Việt Nam và chưa có chính sách nào hỗ trợ, hướng dẫn về vấn đề này. Trong thời gian tới, Bộ Thương mại sẽ có những nghiên cứu về RFID cụ thể hơn. Việc mời chuyên gia Nhật Bản sang làm việc là một trong những hoạt động đầu tiên của chúng tôi để quảng bá về công nghệ mới này".
No comments:
Post a Comment