Tuesday, May 15, 2007

Bạn có chấp nhận nhãn radio gắn trên... quần áo của mình?

Gắn các nhãn radio tí hon trên mọi hàng hoá bán trong siêu thị, hay trên tiền giấy, trên áo quần ta mặc,... để nhận dạng, để chống trộm cắp và giả mạo. Những ứng dụng ấy dựa trên công nghệ RFID (Radio frequency identification - nhận dạng bằng tần số radio) sẽ là chuyện"không có gì ầm ĩ" trong khoảng mười năm tới. Vấn đề là người tiêu dùng liệu có chấp nhận công nghệ này, hay đơn giản họ không muốn kích cỡ quần áo hay việc chi tiêu của mình,... bị truyền đi trong... không trung?

Nhãn nhận dạng bằng tần số radio là những con chíp tí hon bằng silicon, phát ra mật mã nhận dạng độc nhất khi đi qua một thiết bị đọc. Những chiếc nhãn này không cần pin bởi chúng chỉ thay đổi tín hiệu radio mà máy đọc bắn vào chúng. Máy đọc hoạt động ở nhiều tầm, từ vài centimet cho tới vài chục centimet, tuỳ từng loại nhãn.

Vào cuối năm 2004, Công ty Chipco International tại Maine, Mỹ, sẽ tung ra thị trường các thẻ đánh bài có gắn RFID bên trong nhằm phát hiện thẻ giả, các vụ ăn trộm cũng như giám sát hành vi của người chơi. Thẻ bài giả từ lâu là một vấn đề đau đầu đối với các sòng bạc. Để ngăn chặn tình trạng này, họ thường đánh dấu chúng bằng các loại mực chỉ có thể nhìn thấy bằng ánh sáng hồng ngoại hoặc tử ngoại. Nhãn RFID sẽ làm cho thẻ đánh bài khó bị làm giả hơn và việc đặt các máy đọc nhãn tại lối ra có thể hạn chế tình trạng nhân viên ăn cắp thẻ.

Nhãn RFID cũng có thể giúp sòng bạc tránh được thiệt hại lớn nếu có một vụ trộm lớn xảy ra. Nếu một lượng lớn thẻ bị mất tích sau khi bàn chơi bị lật nhào trong một vụ cãi lộn, thỉnh thoảng sòng bạc phải thay toàn bộ thẻ. Người chơi không thích điều này vì thẻ tạm thời không thể đổi ra tiền mặt và trở nên vô giá trị. Nhãn RFID sẽ cho phép các sòng bạc nhận ra thẻ bị ăn cắp mà không phải thay toàn bộ chúng. Ngoài ra, nhãn radio cũng có thể được sử dụng để theo dõi cách mọi người chơi trong sòng bạc. Thẻ gắn nhãn radio sẽ giúp nhà quản lý ghi lại số cọc thẻ mà người chơi đặt cùng với những cọc thẻ họ thắng hoặc thua.

Gắn nhãn radio vào tiền giấy

Tiền giấy cần nhãn radio nhỏ hơn và mỏng hơn nhiều so với nhãn được sử dụng trong thẻ đánh bài. Ứng cử viên hàng đầu là con chip ''Mu'' do Hãng Hitachi sản xuất từ năm 2003. Loại nhãn này chỉ dày 0,1mm và rộng 0,4mm2. Nhãn chỉ có thể được đọc từ khoảng cách vài milimet, cho phép nhân viên thu ngân kiểm tra độ tin cậy của tờ giấy bạc.

Chi tiết về một dự án chung giữa Hitachi và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa nhãn RFID vào các tờ tiền giấy euro được thông báo vào năm 2003. Tuy vậy, ECB từ chối bình luận về những đặc điểm an ninh của đồng tiền này. Gắn nhãn radio vào tiền giấy sẽ rất khó khăn bởi tiền bị mòn trong quá trình sử dụng. Khó khăn thứ hai là nhiều người ủng hộ sự riêng tư sẽ phản đối mạnh mẽ RFID bởi nó đồng nghĩa với việc để cho mọi người theo dõi chi tiêu của một cá nhân.

Đối thủ của mã vạch

Các loại nhãn radio tí hon, gắn trên mọi hàng hoá mà chúng ta mua trong siêu thị, sẽ trở nên phổ biến trong 10 năm tới. Đây là công nghệ tiết kiệm thời gian bởi người mua hàng chỉ việc đi qua quầy thu tiền cùng với xe hàng. Quầy thu tiền sẽ tự động nhận dạng hàng hoá và trừ vào tài khoản của khách hàng.

Công nghệ nhận dạng bằng tần số radio hoạt động như một mã vạch thường thấy trên sản phẩm hiện nay. Tuy nhiên, thay vì phải được gí sát vào phía trước của máy quét, nhãn radio tí hon phát ra tín hiệu radio. Mỗi nhãn là "độc nhất vô nhị". Do vậy, mọi món hàng, cho dù đó là một hộp dao cạo râu hay một chiếc áo sơ mi, đều được theo dõi riêng rẽ, mọi nơi, mọi lúc.

Một số chuyên gia dự đoán công nghệ này sẽ phổ biến trong thập kỷ tới. Hiện nay, chi phí dán nhãn radio cho các sản phẩm quá cao. Chính vì vậy, các công ty lớn thường sử dụng nó để theo dõi các khay hàng vận chuyển. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhãn radio sẽ trở nên nhỏ hơn và rẻ tiền hơn. Vấn đề chỉ còn là khi nào và nhanh ra sao. Đối với một tập đoàn siêu thị, sự hấp dẫn của nhãn radio là rất lớn và rõ ràng vì nó cho phép công ty theo dõi được hàng tồn kho, hàng bày trên giá và hàng bị đánh cắp.

Trong tháng 10/2003, Marks and Spencer đã trở thành nhà bán lẻ đầu tiên thử nghiệm nhãn radio trên áo sơ mi, cà vạt và áo veston của nam giới tại một trong các cửa hàng ở London. Nhãn sẽ cho phép những nhà bán lẻ lớn như Marks and Spencer biết vị trí chính xác của bất kỳ món hàng nào trong số 350 triệu quần áo mà nó bán ra mỗi năm, cũng như giúp nhân viên bán hàng nhanh chóng tìm ra các loại kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên, RFID cũng vấp phải sự phản đối của khách hàng khi được thử nghiệm ở Prada, New York bởi khách hàng không muốn kích cỡ quần áo mà họ đang thử được truyền trong... không trung.

Một số nhóm bảo vệ quyền công dân lo ngại mọi người có thể bị theo dõi bởi những chiếc nhãn radio tí hon được bí mật gắn vào quần áo của họ. Christian Koch thuộc SAP - Công ty phần mềm đang tham gia thử nghiệm công nghệ nhãn radio tại một siêu thị ở Đức - cho biết: ''Chúng tôi phải sử dụng công nghệ này sao cho thu hút được người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng không chấp nhận, chúng tôi sẽ ngừng phát triển nó. Với tư cách là khách hàng, các bạn quan tâm tới việc nhanh chóng có được đúng sản phẩm mình cần, đúng lúc và đúng giá. Đó chính là thứ người tiêu dùng muốn và RFID có thể giúp các công ty thoả mãn nhu cầu này của khách hàng''.

Tiềm năng sử dụng nhãn radio ngoài các siêu thị là rất lớn. Máy giặt có thể nhận dạng quần áo và chọn chu kỳ giặt thích hợp. Một chiếc ôtô có thể mang những máy cảm biến để theo dõi tình trạng hao mòn, truyền thông tin cho thợ sữa chữa và cảnh báo lái xe về mọi vấn đề tiềm năng. Theo nhà khoa học Ferguson thuộc Công ty tư vấn Accenture, công nghệ nhãn radio có thể phổ biến vào năm 2010 mặc dù có những lo ngại về việc bí mật thông tin cá nhân bị tiết lộ.

Minh Sơn (Tổng hợp)

No comments: