Tuesday, May 15, 2007

RFID bước vào kỷ nguyên mới

(16/08/2004) - Khi công nghệ nhận dạng theo tần số radio (RFID) ngày càng được phổ biến, liệu tính an ninh và riêng tư của con người có bị xâm phạm?


Tổng quan về công nghệ RFID

Trong năm tới đây, hàng trăm công ty Mỹ sẽ buộc phải triển khai áp dụng công nghệ theo dõi tự động đối với mọi sản phẩm hàng hoá tiêu dùng thông qua sóng radio. Công nghệ nhận dạng theo tần số radio (RFID) đã được cả Bộ Quốc phòng Mỹ và có lẽ quan trọng hơn là tập đoàn Wal-Mart nghiên cứu và áp dụng. Năm ngoái, cả hai tổ chức này đã tuyên bố hàng trăm nhà cung cấp lớn nhất của họ đã trang bị thẻ RFID cho từng chuyến hàng gửi đi, để người giao hàng có thể theo dõi và ghi lại tự động mọi di chuyển của hàng hoá trong hệ thống kho hàng.

Trong khi đó, Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã thông qua một quy định yêu cầu tất cả các công ty dược tại Mỹ phải mua thiết bị đọc RFID từ năm 2006. Theo đó, mỗi thùng thuốc do các hãng sản xuất phải gắn một thẻ RFID với số ký hiệu duy nhất để có thể tìm kiếm tự động tại một cơ sở dữ liệu trên mạng. Các loại thuốc giả sẽ không có được số ký hiệu này.

Với những thông tin như trên, có thể bạn cho rằng RFID là một loại công nghệ mới mang tính nền tảng. Thực ra không phải vậy. ý tưởng sử dụng tín hiệu radio trong hệ thống nhận dạng từ xa xuất hiện lần đầu tiên từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II, khi hệ thống IFF được sử dụng cho các máy bay ném bom để tránh cho chúng bị quân đội của mình bắn nhầm.

Vào những năm 70, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos đã tạo nên một hệ thống dùng công nghệ RFID để kiểm soát việc sử dụng các chất hạt nhân. Một công nghệ tương tự cũng đã có mặt trong lĩnh vực dân sự trong những năm 1980, khi các công ty quản lý xây dựng đưa ra thế hệ đầu tiên của "proximity card", hay một loại thẻ cho phép người ta ra vào các khu vực, toà nhà nhất định. Sau đó, vào những năm 1990, các cơ quản lý đường bộ và quá cảnh trên thế giới lần lượt triển khai các hệ thống thu phí điện tử như E-Zpass. Hiện nay, chỉ riêng tại Mỹ đã có hơn 10 triệu ô tô lắp đặt bộ phận tiếp sóng.

Cho dù được dùng để theo dõi sự di chuyển của các chất hạt nhân hay để khấu trừ đi 2 USD phí đường bộ tại các trạm thu phí ở New York, những hệ thống RFID này ít nhiều đều họat động giống nhau. Một mạch điện tử nhỏ trong con chip RFID tiếp nhận các tín hiệu radio từ thiết bị đọc RFID. Khi mạch điện này nghe thấy tín hiệu, nó sẽ gửi trở lại một tín hiệu radio đã mã hóa. Mã này chứa con số nhận dạng của con chip và một số thông tin khác. Khi thiết bị đọc nhận được sự phản hồi này, nó sẽ gửi thông tin đó đến một hệ thống máy tính. Máy tính sẽ tra cứu thông tin nhận được trong cơ sở dữ liệu để chứng nhận rằng con số đó là có thực và chính xác và tự động thực hiện một số công việc đã được lập trình sẵn.

Các chip RFID thường được bọc trong những hộp nhựa nhỏ được gọi là thẻ. Có 2 loại thẻ: chủ động và bị động. Thẻ chủ động chứa một vi mạch, một ăng ten và một bộ pin và có bán kính hoạt động từ vài chục mét tới hàng trăm mét phụ thuộc vào cỡ ăng ten, vào pin và vào tần số của dải sóng radio. Do pin có giới hạn nên các thẻ này chỉ dùng được một vài năm.

Các thẻ bị động thì ngược lại, không dùng pin. Thay vì thế, chúng được nạp điện trực tiếp từ chính tín hiệu radio đã kích hoạt chúng. Do không có pin nên các thẻ bị động rẻ hơn và có thời hạn sử dụng gần như vô hạn. Nhưng các thẻ bị động cũng nhược điểm lớn là hầu hết thẻ bị động chỉ có thể phát tín hiệu đến thiết bị đọc trong khoảng cách 0,5 mét, hay thậm chí gần hơn.

Có 2 yếu tố khiến công nghệ RFID đột nhiên thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Thứ nhất là giá cả. Hiện nay, mỗi thẻ RFID có giá khoảng từ 25 cent đến 1 USD, tùy thuộc vào chi tiết kỹ thuật và số lượng đặt hàng. Nhưng các chuyên gia đều dự đóan rằng giá thành của nó sẽ chỉ còn 1 penny hoặc ít hơn vào cuối thập kỷ này. Thứ hai là tính tương thích của RFID đang bắt đầu được cải thiện. Những ai đã từng sử dụng hệ thống thẻ ra vào trong một tòa nhà đều biết, cho đến nay, hầu hết các hệ thống RFID không tương thích lẫn nhau. Tuy nhiên năm ngoái, một liên minh công nghiệp của Mỹ đã thông qua một chuẩn RFID có tên gọi Mã sản phẩm điện tử, hay EPC. Việc quản lý tiêu chuẩn này đã được chuyển cho Uỷ ban Chuẩn hoá mã (UCC), một tổ chức quản lý, giám sát Mã sản phẩm tiêu chuẩn (UPC) trên các sản phẩm tiêu dùng. UCC và một ủy ban tương tự của châu Âu, EAN International, đã thành lập một tổ chức có tên EPCglobal để hỗ trợ cho sự phát triển trong tương lai của công nghệ này.

Những trở ngại về an toàn và bảo mật

Tuy nhiên, việc phổ biến thẻ theo dõi gắn trên hàng hóa đã gây nên sự phản đối mạnh mẽ của các nhà hoạt động xã hội vì quyền cá nhân trên báo chí. Nếu công nghệ RFID phát triển rộng rãi theo hướng người ta đã dự đoán, nó sẽ tác động vô cùng lớn đến sự riêng tư của cá nhân.

Những thẻ gắn vĩnh viễn vào trang phục hay đóng vào đế giày có thể theo dõi khách hàng mỗi khi vào ra cửa hàng. Các thiết bị đọc trên giá hàng của siêu thị có thể báo động khi có một khách hàng mua hàng hoá giá trị quá lớn, hoặc thậm chí có thể tự động chụp ảnh một khách hàng đang nhặt quá nhiều hàng hoá một lúc. Thẻ RFID gắn trên sách hay tạp chí có thể nhận biết ai đang đọc gì. Thẻ gắn trên các cọc tiền giấy có thể tính toán và nhận biết nếu có ai đó mang một số quá lớn tiền mặt bên mình.

Không phải các nhà hoạt động xã hội là người đầu tiên đưa ra vấn đề lạm dụng công nghệ RFID mà chính là các nhà công nghiệp RFID. Mặc dù nhiều người đang làm việc về RFID cũng lo ngại về vấn đề riêng tư cá nhân, nhưng đó chỉ là thứ yếu so với những lo ngại về công nghệ.

Mối lo ngại hiện nay của những người trong ngành là sự thiếu quan tâm đến tính an tòan, một vấn đề cũng liên quan đến tính riêng tư cá nhân nhưng rộng lớn hơn. Một trong những vấn đề an toàn lớn nhất về thẻ RFID hiện nay là không được phân loại kỹ. Các thẻ này có thể phản hồi đến mọi thiết bị đọc nếu có yêu cầu. Những viễn cảnh khi công nghệ này được mở rộng làm người ta kinh ngạc. Làm thế nào mà ngăn cản được một đối thủ cạnh tranh bước vào cửa hàng với một thiết bị đọc RFID xách tay giấu trong túi xách và bí mật đọc toàn bộ danh sách kho hàng của bạn? Hoặc lập âm mưu lừa gạt? Vì thẻ này có thể được lập trình lại nên một tên kẻ trộm có thể vào cửa hàng, quét mã ID trên thẻ của một đầu video trị giá 50 USD, lập trình lại ID này vào thẻ của hắn và gán cho thẻ đó trị giá 500 USD.

Khi vấn đề riêng tư lần đầu tiên được nêu ra với những người sáng lập chuẩn EPC, họ đã giải quyết bằng cách cấp cho mỗi thẻ một lệnh đặc biệt gọi là "kill". Khi gửi lệnh này đến thẻ thì coi như thẻ đó bị vô hiệu hóa. ý tưởng này cho rằng một thẻ "chết" thì không còn đe dọa đến sự riêng tư của bất kỳ ai.

Cơ quan luật pháp tại bang California của Mỹ đã ra quy định yêu cầu mọi công ty bán hàng tiêu dùng phải xóa hoặc hủy mọi thẻ RFID trên hàng hóa trước khi chúng được đưa ra khỏi cửa hàng. Theo Henry Holtzman, nhà nghiên cứu khoa học của Phòng thí nghiệm MIT, vướng mắc của giải pháp "thẻ chết" này là những thẻ của hàng hóa bị đánh cắp sẽ không bị tiêu hủy. Điều này nghĩa là việc bạn có một món hàng vẫn gắn thẻ "sống" sẽ bằng chứng gián tiếp kết tội bạn ăn cắp hàng hóa. Chẳng khó khăn gì để tưởng tượng ra cảnh các cảnh sát đi bộ trên hè phố với thiết bị đọc RFID cực mạnh, xăm xoi tìm kiếm bất cứ ai phát ra tín hiệu của thẻ hàng. Và cũng chẳng khó gì mà không hình dung được cảnh những người phản đối RFID vào các cửa hàng và tiêu diệt mọi thẻ hàng bằng một công cụ dấu kín.

Công nghệ RFID sẽ trở nên phổ biến nhưng bên cạnh sự đe dọa về tính riêng tư cá nhân, các chuyên gia cho rằng sự thiếu an toàn của các hệ thống này sẽ là một vấn đề càng ngày càng trầm trọng. Các hệ thống RFID hiện nay được phát triển trong một môi trường rất lỏng lẻo, không quan tâm đến các vấn đề an ninh mặc dù các nhà phát triển đã có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này với điện thoại di động và gần đây là mạng không dây Wi-Fi. Vì một vài lý do, các kỹ sư làm việc trong hệ thống không dây thường đánh giá thấp nguồn lực này và cơ hội dễ dàng cho kẻ xấu. Họ coi việc có ít các vụ tấn công vào mạng lưới là bằng chứng cho sức mạnh của hệ thống và không nhận ra một điều là những kẻ xấu chưa tìm ra lỗ hổng của mạng không dây chẳng qua vì hệ thống này chưa phổ biến. Đến thời điểm mạng không dây trở nên phổ biến thì chi phí cho việc bổ sung tính bảo mật sẽ lớn hơn hiện nay rất nhiều lần.

Với những điều cam kết và đã thực hiện, ngành công nghiệp RFID có thể tạo ra công nghệ an toàn hơn nhiều và khi đó, tính riêng tư cũng sẽ được bảo vệ nhiều hơn. Nhưng ngành công nghiệp này sẽ không làm được điều đó nếu khách hàng không yêu cầu ngay từ bây giờ.

RFID khởi động tại châu Á

Sự ồn ào náo nhiệt xung quanh công nghệ RFID đang ngày một tăng lên, và các quốc gia châu Á cũng không đứng ngoài cuộc chơi này.

Kết quả một cuộc khảo sát trong khu vực cho thấy, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia đã bắt đầu bàn về tiềm năng của RFID trong công việc kinh doanh của họ.

Đối với các nhà sản xuất châu Á, việc áp dụng công nghệ này là rất cấp bách vì các tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ và châu Âu như Wal-Mart, Albertsons, Target, Tesco và Metro trong vài tháng tới sẽ yêu cầu các nhà cung cấp gắn các thẻ RFID vào thùng hàng và các tấm pallet.

Để hưởng ứng xu hướng mới trên toàn cầu, Cơ quan nghiên cứu thông tin hàng hóa (IDA) của Singapore đã triển khai một sáng kiến hỗ trợ các doanh nghiệp nước này. Đầu tháng này, IDA thông báo một dự án 3 năm trị giá 5,9 triệu USD để xây dựng 5 cụm dây chuyền cung ứng áp dụng RFID vào năm 2006. Để đạt được mục đích này, IDA dự định đưa các nhà sản xuất kết hợp với nhau, các nhà cung cấp dịch vụ thống kê, bán lẻ, các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp giải pháp công nghệ cao, các công ty dược và tập trung vào lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng.

Tại Bắc Á, EPCglobal, một tổ chức hỗ trợ công nghiệp phát triển chuẩn RFID trong dây chuyền cung ứng toàn cầu, đã xúc tiến các bước đi đầu tiên tại Trung Quốc và Hồng Kông. Tổ chức này cho biết họ đang khuyến khích và hỗ trợ các nhà sản xuất, các nhà gia công, và các nhà bán lẻ để thành lập nhóm sử dụng RFID tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan.

Margaret Fitzgerald, Chủ tịch và Giám đốc điều hành EPCglobal nhận định, Trung Quốc là nước có rất nhiều tiềm năng bởi đây là trung tâm sản xuất lớn hàng đầu thế giới, xuất khẩu hàng hóa đi mọi nơi, vì vậy, việc sử dụng RFID là hết sức cấp bách. Chẳng hạn như Wal-Mart, tập đoàn siêu thị lớn nhất của Mỹ nhập đến 70% hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhận thức được điều này, Cục Tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc (SAC) đã thành lập Nhóm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho RFID.

Còn tại Đài Loan, chính quyền ở đây đang xúc tiến phát triển một ngành công nghiệp RFID tòan diện, từ cấp độ cao như sản xuất chip RFID, đến các thiết bị cấp vừa như là thiết bị đọc và thẻ, và cuối cùng là sự tích hợp hệ thống.Vào tháng ba năm nay, Cơ quan phụ trách các vấn đề kinh tế đã hỗ trợ hơn 80 công ty Đài Loan và Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp (ITRI) thành lập một liên minh RFID. Liên minh này sẽ tích hợp nguồn dữ liệu từ 80 công ty để phát triển các thẻ RFID, thiết bị đọc, và các ứng dụng RFID khác. Tháng tư vừa qua, phòng thí nghiệm nghiên cứu RFID đầu tiên tại Đài Loan đã đi vào họat động. ITRI cũng dự kiến tung ra những sản phẩm hòan thiện lần đầu tiên về RFID như chip, thẻ và thiết bị đọc vào cuối năm nay.

Tại nước láng giềng Hàn Quốc, RFID được nhắc đến như là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao sức mạnh của cuộc bùng nổ trong ngành điện thoại di động và băng thông rộng tại đất nước này. Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc và Viện nghiên cứu Viễn thông và điện tử của chính phủ đang phối hợp để phát triển các công nghệ dải sóng RFID - UHF. Sự tham gia của Công ty viễn thông hàng đầu Hàn Quốc SK Telecom và 21 công ty khác trong dự án này được dự đoán là sẽ tạo nên bước phát triển cho các sản phẩm RFID trong nước.

Dự án này được chính phủ hỗ trợ 7 tỷ won, còn các công ty tư nhân đầu tư 5.09 tỷ won. Giai đoạn đầu của dự án là nhằm phát triển công nghệ RFID 900 MHz vào tháng 2 năm 2006, còn giai đoạn hai sẽ phát triển công nghệ mạng lưới U-sensor vào tháng 2 năm 2008.

Tại Malaysia, mặc dù chính phủ không có kế hoạch đặc biệt trợ giúp các ngành công nghiệp ứng dụng RFID, nhưng cũng đã có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho công nghệ này bằng cách áp dụng nó trong các dự án lớn của đất nước.Malaysia đã kết hợp vi mạch RFID trong các thẻ căn cước và hộ chiếu điện tử của công dân. Đến cuối năm ngóai, 7,5 triệu thẻ căn cước có chip RFID đã được phát hành, và dự kiến đến cuối năm 2005, thẻ này sẽ được cấp cho mọi công dân Malaysia trên 12 tuổi.

Tháng chín năm ngoái, nước này cũng đã ký hợp đồng với công ty nghiên cứu và phát triển FEC của Nhật Bản để cùng sản xuất chip RFID thế hệ mới sử dụng trong hàng hóa bán lẻ và tiền giấy. Tập đoàn Phát triển Đa truyền thông của Malaysia cũng đã tài trợ hàng triệu USD cho một vài dự án liên quan đến công nghệ RFID.

John Brand, Phó chủ tịch cấp cao của Meta Group cho biết, việc áp dụng công nghệ RFID tại châu Á là hết sức cần thiết bởi vì đây là trung tâm sản xuất và phân phối hàng lớn cho toàn cầu. Theo ông, khi chi phí cho thẻ RFID còn khá cao như hiện nay, sự tiến bộ của công nghệ và sự bùng nổ của các họat động sản xuất sẽ cho phép thẻ RFID được gắn trực tiếp lên hàng hóa ngay từ khi sản xuất để giảm chi phí và tăng tính phổ cập công nghệ này.

Hoàng Thanh
(Theo CIO.com)

No comments: